Công dụng É

Bộ phận dùng của é là cành, lá và hạt. Thân và lá thu hái khi cây chưa có hoa hoặc có ít nụ hoa; hạt lấy ở những quả già và tinh dầu cất từ lá.

Lá và cành

Lá và cành é được sử dụng như một loại rau trong ẩm thực, một thành phần của các bài thuốc dân gian hay chiết xuất tinh dầu. Thân và lá é có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng phát hãn, giải biểu, khu phong, lợi thấp, tán ứ, chỉ thống do đó thường được dùng để chữa đau bụng, trướng bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, cảm, cúm, sốt, đau đầu, viêm lợi, chảy máu chân răng, tưa lưỡi, viêm bàng quang, đái rắt, đái buốt.

Cây é là một loại rau gia vị thơm ngon nên ngày xưa dùng để tiến vua nên còn có tên là cây tiến thực. Món lẩu é trắng nấu thịt gà là món ăn đặc trưng vùng đất Tuy Hòa.

Hạt

Bài chi tiết: hạt é

Theo y học cổ truyền thì hạt étính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lợi cổ họng, giải nhiệt, thông tiện, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt. Dân gian hay dùng để làm mát và nhuận cơ thể. Có thể uống nhiều lần trong ngày, dùng thường xuyên không độc, làm thức uống giải khát để trừ các bệnh nhiệt trong mùa hè. Để tăng tác dụng nhuận trường có thể dùng chung với hạt đười ươi (lười ươi), có thể ngâm nước để uống ngay hoặc nấu thành chè[2]. Chè hạt é[3] hay nước é rất phổ biến ở Việt Nam, và thường thấy kết hợp với những nguyên liệu khác như mủ trôm[4], thạch đen (sương sáo)[5], dừa nạo, dầu chuối, hoa nhài, các loại hoa quả như dâu tây, dứa v.v.

Theo y học hiện đại thì hạt é có chứa nhiều chất nhầy có tác dụng tốt cho sức khỏe.[6] Hạt é có thể pha với đường để uống, nước hạt é rất mát, chữa được rôm sảy. Hạt é không bị tiêu hóa, phân hủy nên chất béo trong hạt é không thấm vào cơ thể. Chính chất nhày của hạt é giúp giảm lượng cholesterol.